Thursday, June 12, 2014

RONG CHƠI THANH THẢN


Sang Thu trời hiu hiu dễ chịu nên khi nghe các con mời qua nhà tụi nó ở LA chơi là chúng tôi chịu liền. Hai tuần đầu còn vui vui với mấy đứa cháu, nhưng sau đó chàng thấy quởn quá bèn đề nghị thuê xe đi vòng vòng đang ở LA mà sao mình không qua New Orleans?” 
Dân HD chổ nào cũng có mà, nghe đâu bên này có mấy đàn chị khóa trước như nhà thơ Minh Giang, chị Sao Mai, chị Thủy Hương và nhỏ Kiều Nga học cùng thời. Nhân dịp này cũng nên ghé qua thăm thành phố đã từng chịu đựng cơn bảo dữ dằn nhất nước Mỹ cách đây không lâu. Đường đi nước bước được vô Google sắp xếp xong xuôi, sau những cuộc gọi hẹn hò cùng các chị bên đó thì đùng cái, sáng mở email thấy chò Toàn thông báo tin buồn “Anh hai của TH mất ở Mobile”. Tôi lật đật gọi chò Hương xin cái địa chỉ nhà Bác Năm. Chuyện anh hai mất thì đã đành rồi, tôi chơi thân với nó mấy chục năm nay nên anh em nhà nó ai tôi cũng biết chỉ trừ anh hai này, cũng dễ hiểu thôi lúc ảnh ra trường HD rồi đi lính thì bọn tôi còn nhỏ xíu, mà lính tráng thời chiến cứ biền biệt xa nhà..Tôi chưa bao giờ biết mặt ảnh.Bây giờ nghe tin ảnh đi xa hơn nữa..Tôi cũng muốn nhân lúc này ghé thăm ảnh...cho biết, nhưng có lẽ người tôi cần thăm là bác Năm thì đúng hơn, Bác bằng tuổi Má tôi ở bên nhà, hay ở chổ bà nào cũng nói năng còn minh mẩn, đi đứng còn vững bước. Anh hai mất, Bác đau xót biết chừng nào khi lá vàng phải khóc lá xanh.  Năm ngoái em trai tôi mất, Má tôi cũng suy sụp tưởng nằm luôn.

Vậy là chuyến đi của chúng tôi kéo dài thêm 150 mile nữa, gặp dịp đang ở bên LA tiện đường, chứ không thì cũng chịu thôi.
 New Orleans là thành phố gần biển, nước Mỹ thần kỳ ở chổ là “nhanh chóng khắc phục hậu quả”, so với những gì tôi thấy trên TV về sự tàn phá nặng nề của bảo Katrina quét qua đây thì bây giờ gần như mọi thứ đều hồi sinh mạnh mẽ, tôi thú vị khi thấy xe cứ chạy dài dài trên nhiều cây cầu xa lộ, mà phố xá thì nằm bên dưới những con đường.

Lần đầu tiên đến một thành phố lạ, cơn mưa trút xuống cũng bất ngờ, gặp những chị bạn chưa từng thân nhau trước đó mà sao thấy ấm lòng hết sức, chị Sao Mai, chị Minh Giang và chị Phượng, mọi người đều vui vẻ đón tiếp khách phương xa, ngồi chưa nóng chổ đã nghe chị Thuỷ Hương gọi, tiệm bánh của cô chủ này cũng khá xa mà mưa vẫn tầm tả,  chị Phượng lái xe chở hết mọi người đến nơi thì trời vừa tạnh. Chị Thủy Hương trẻ hơn tôi nghĩ, nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng, dáng người mảnh mai  vậy mà gánh cái cơ ngơi nặng ký quá chừng, chị dẫn chúng tôi đi vòng vòng trong lò bánh, máy trộn bột, máy nướng..Cái nào cũng to đùng, mùi bánh mì mới ra lò thơm phức, làm tôi chợt nhớ tới lò bánh mì trên đường giữa ở Sóc trăng mà hồi xưa sáng nào đi học ngang qua, tôi cũng tắp vô mua ổ bánh mì nóng dòn nhưng cong queo với giá rẻ phân nửa so với ổ thẳng(tánh hà tiện chắc có từ lúc này, Má cho 1000,ăn bánh mì cong 500, còn lại để dành. Ôi thương cái thưở hàn vi của tuổi thơ tôi)

Bây giờ khuôn bánh có từng ngăn để cục bột vừa khít, khi nướng lên, ổ bánh mì nở đầy đặn, làm gì có cái bánh cong nào để bán cho tôi!
Buổi cơm trưa hơi trể nhưng chúng tôi không thể ăn hết phần ăn mà cô chủ đã order trên bàn, chị Sao Mai nhắc lại câu nói của KN “được ăn, được nói , được gói mang về”, Chị Thủy Hương năn nỉ mang về dùm, không những thức ăn ê hề trên bàn mà còn thêm bánh bao, bánh bông lan , bánh bò nướng, bánh bía đặc sản Vũng thơm...Biết ngày mai tôi ghé qua Mobile, các chị còn gởi thêm cho nhà bác Năm mấy hộp to go, thiệt là tình thương mến thương hết sức.

Tuy có mình chàng “gươm lạc giữa rừng hoa” nhưng không vì vậy mà chàng thấy cô đơn, nói chuyện vòng vo hồi thì chị Phượng mới nhớ mang máng mình có học ông Thầy S trên Văn Khoa...Quả là cái duyên kỳ ngộ.

Nhân đây cũng xin cám ơn các bà chị đồng môn HD đã sắp xếp cuộc gặp gở thân tình này. Cám ơn chị Mai chị Giang chổ ở, chị Thủy Hương chổ ăn, chị Phượng chở đi vòng vòng, và ly cà phê Du Monde đầy thú vị trong không gian mờ ảo sương mù lúc nửa đêm với vợ chồng Huấn, một dân Sóc trăng xởi lởi đúng điệu. Một ngày ở New Orleans thật đáng nhớ.

Xin cám ơn tất cả các bạn.
Con đường chúng tôi đi qua có cây cầu dài hàng chục mile bắt ngang hồ Pontchartrain của vùng East  Louisiana, theo đường 10 xuyên qua bang Mississippi, rồi mới tới Mobile của bang Alabama, thành phố nhỏ bình yên này lại là nơi nằm xuống mãi mãi của một cánh chim xa xứ. Tôi gặp khá đầy đủ những người thân của TH trong tang lễ như chị ba, anh sáu, bé tám , bé chín, dì Mười, cậu Ba... Tôi ôm Bác Năm nói lời chia buồn, bác còn nhớ tôi mà, nhớ rất rõ những bạn bè của các con mình ngày trước..Hồi đi học, toàn bộ giấy quay Roneo làm báo trong trường là do chị ba cho bọn tôi, một số hình đen trắng kỹ niệm của lớp ngày nay còn lưu giữ trong album HD cũng là do máy hình của chị ba cho mượn. Lâu quá rồi , trong đầu tôi chỉ nhớ hình ảnh thời còn trẻ của mấy anh chị em nhà TH, chị ba tóc ngắn cao gầy, anh sáu ốm nhom, lúc nào cũng ở trần khoe bộ xương cách trí, bé bảy bé tám hai chị em có gương mặt hao hao giống nhau, đi đâu cũng đi chung, bé chín khi đó chắc còn bắn bi dưới tàn cây trứng cá trước nhà, bé mười, bé hồng, bé út ...nhà TH dễ chừng cả tiểu đội, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt.

Vậy mà thoáng cái hơn 40 năm, tôi tưởng là mọi người sẽ thay đổi nhiều lắm, nhưng không hẳn thế, hình như cái già cũng khó xông xáo vào đại gia đình luôn vui nhộn gắn bó, thương yêu với nhau. Tôi tiếc là gặp lại cả nhà trong không khí đau buồn này.

Vài lần tôi tham dự đám tang của người quen bên Mỹ, khung cảnh nhà quàn thanh tịnh trầm lắng, niềm đau chỉ âm thầm chia xẻ trong tiếng nấc nhẹ, nổi buồn như được nén lại, người ta không lăn lộn khóc kể trong tiếng kèn tây náo động cả khu phố như bên nhà, đoàn xe đưa tiễn cũng nối đuôi nhau lặng lẽ ra tới nghĩa trang,  chỉ có tiếng còi hụ của hai xe cảnh sát dẫn đường ngang qua những giao lộ, các xe khác đều dừng lại dù đèn xanh, để bóp nhẹ kèn như lời chào người đã mất. Tôi nghĩ đó là nét đẹp của văn hóa Mỹ. Nói ra thì có vẽ vô duyên, nhưng thiệt tình được ngồi trong hàng xe tang đó mới thấy khoái là mình vượt đèn đỏ mấy lần nhưng cảnh sát không ghi ticket.
Chiều nghĩa trang mây xám ãm đạm và gió lạnh, nhưng chắc anh Minh ấm áp nghĩa tình của bạn bè người thân đã đưa anh đến nơi an nghĩ cuối cùng. Chết sống là lẽ thường tình mà, biết đâu anh đang rong chơi thanh thản ở nơi nào. Ai đó có nói “Chết là bắt đầu chớ không phải là kết thúc”. Tôi không chắc lắm bởi vì tôi chưa ..thử chết, nhưng tôi có thể hình dung được nếu ngày ấy mình xa nhau thì mọi việc sẽ diễn ra y chang như tôi thấy hôm nay, có thể khác đôi chút theo ý muốn cá nhân, nghĩa là đừng tốn tiền trang điểm để chường mặt ra chi cho thiên hạ bị ám ảnh,  có xinh đẹp gì đâu một xác chết. Thay vì chôn tốn kém quá thì nên thiêu cho nhẹ, thay vì để cáo phó chia buồn thì nên chia vui vì người thân của mình đã thoát khỏi những đau đớn của bệnh tật, những hệ lụy của kiếp người. Vốn sinh ra đã khóc, ai mà chẳng vậy. Đời là bể khổ trầm luân, nhưng nếu biết bơi chút đỉnh thì chắc cũng đở khổ. Bởi vậy khi còn sống ráng mà tử tế với nhau, ráng mà yêu thương chia xẻ nhau khi hoạn nạn hay khó khăn, đừng giữ lòng sân si hận thù ích kỷ, hãy biết cho trước khi biết nhận...v..v. Mỗi ngày chúng ta nhận quá nhiều email, đọc quá nhiều lời hay ý đẹp nhưng có mấy ai học thuộc bài học tưởng chừng như đơn giản đó, học cách xử thế cho đúng với đạo lý chính là học bơi trong bể khổ này.

Ở cái tuổi sắp 60 trở lên , bạn bè người thân của chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, xin hãy dành cho nhau tình cãm tốt đẹp nhất, hãy yêu thương nhau hơn ngày hôm qua, để lỡ có ra đi về cõi vĩnh hằng thì chí ít mình cũng được một chuyến rong chơi thanh thản.

Ngọc Ánh