Thursday, June 12, 2014

NGĂN KÝ ỨC

  

Ngăn ký ức
                                                                                                                                           
Dù không có gì bận rộn lắm, nhưng tôi vẫn sắp xếp cho mình một năm có một lần mở toang cánh cửa tâm hồn, không biết để làm gì ngoài phủi một chút bụi thời gian những kỷ niệm buồn vui trong ngôi nhà ký ức và bâng khuâng nhìn lại mảnh rong rêu sót đọng cuối đời.
Một tối thanh thản trong đêm trừ tịch, bao giờ cũng vậy tôi gạt hết mọi việc thường ngày, để chăm chú sột soạt đống giấy tờ ố vàng với biết bao chuyện đáng nhớ của thời quá khứ .Một khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng để nghe lòng mình lắng đọng tiếng thời gian, ôn về kỷ niệm thân thương ngày ấy “chuyện mới cũ khóc vui tràn trề” (PD). Xưa nhất là những trang nhật ký thời còn đi học, kể chuyện trường lớp bạn bè, cuốn lưu bút được chuyền tay nhau hồi đầu hè, đứa nào cũng viết bằng mực tím nắn nót đến mòn tay, những tấm hình tuy khác người khác cảnh nhưng đều luôn có một câu lục bát rất giống nhau ghi ở phía sau “dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ mà đau lòng này.” Trời ơi, sao hồi đó mấy nàng “cải lương” thế không biết!
Khi chúng tôi lên đệ nhị cấp thì trường HD có phong trào du ca cho hợp với thời thế lúc bấy giờ, thật tình mà nói chúng tôi đâu biết gì về “phản chiến”nhưng có hát hò lửa trại vui vui là bạn bè rủ nhau dzô, lúc đầu chừng mười mấy tên choai choai, cũng họp hành phân công vai trò trách nhiệm, cũng chọn đồng phục mặc đi sinh hoạt ra cái điều nội qui nghiêm chỉnh, và dĩ nhiên nhóm cũng có cái tên kêu rất ngang tàng khí phách “Nhóm Du Ca sỏi đá trổ bông” do thầy P phụ trách, có trưởng nhóm là TVS và thành viên là các bạn lớp 10-11 cùng thời, bạn bè trang lứa tha hồ mà tung hoành trên sân khấu trường vào những dịp văn nghệ cuối năm, hay đi ủy lạo “Cây mùa Xuân chiến sĩ “ trong các đơn vị Quân đội, phải nói đó là thời kỳ “vàng son” nhất của các ca sĩ cây nhà lá vườn như SX,TVS,TC,NT,HN...Thầy T làm Tổng giám thị lúc đó cũng có máu văn nghệ nên sáng nào đến trường cũng được ông mở nhạc cho nghe đã đời. Mãi hơn mấy chục năm sau này tôi vẫn nhớ đến thưở huy hoàng hồn nhiên ngày cũ. Cuộc chơi nào rồi cũng chán, tôi tìm thấy trong cuốn sổ tay chép những bài hát tập thể với lời nhạc của NĐQ, TTL… ,bìa sau có ghi lại buổi chia tay rã đám của nhóm Du ca vào tháng 8-1974... Mấy tháng trước có dịp lên nhà TH, trong một buổi chiều thu nắng vàng êm ả, hai bạn già trong lúc đợi cơm canh chín, đã bày ra hát Karaoke say sưa mê mệt, hết song ca rồi tới đơn ca, giọng bass rè khào khào như bị nghẹt thở vậy mà hào hứng đến lạ lùng, tự dưng thấy nhớ mấy tên trong nhóm Du ca ngày cũ, giờ ra chơi mà tan tác hết rồi. Bớ KCT, MTP, MTL,TH, TC, NT, NHV, Lộc cồ…
Giai đoạn sau 75, bạn bè trường lớp tứ tán, tôi lại có một đống thơ kể lể chuyện xóm làng, thơ của MHS than trời than đất “ta và anh Toán vẫn mong nhỏ về lại ST để bạn bè đấu hót cho vui, này cô bé ráng thi đậu vào ĐH, nếu nhắm không xong thì xin đi KTM, may ra có chỗ vẫy vùng, ha ha”, còn TH thì tả cảnh buồn muốn chết khi còn quanh quẩn ở lại ST “thèm được gặp vài đứa bạn để tìm chút tin yêu của hồi đó..”Cuối thơ nó còn thoòng thêm câu “ mày phải về đăng ký học sinh nếu còn muốn tiếp tục học, qua ngày 20-7-75 mà không đăng ký là coi như tự ý nghỉ học, nghỉ thiệt đó nghe, chớ hổng phải dọa dẫm như…” .Cái giọng tưng tửng của nó làm tôi mắc cười. Ừ, nghỉ thì nghỉ. Vài tháng sau đã thấy nó lên SG rủ tôi đi ăn bò bía ở Hồ con Rùa. Vậy đó bạn bè tôi đã bỏ lớp bỏ trường từ dạo ấy, còn vài đứa gồng mình ở lại học cho hết năm hết tháng để ra trường với mảnh bằng “giáo viên cấp một” bị đổi về xã ấp vùng sâu vùng xa nào đó dạy học quên đời “khi lá xanh rồi buồn cũng nguôi ngoai”(thơ SBTD). Nhắc chuyện này mới nhớ nhỏ bạn chung lớp tên Th xinh xắn mặn mà, bị đì về hóc bò tó nào đó dạy lớp ba, gặp đứa học trò quậy như quỷ, Cô đét cho một phát, nó chạy về méc má, và trời ạ, má nó là vợ chủ tịch xã, hầm hầm vác cây dao phay đang bằm rau đi xăm xăm tới lớp cắm cái phụp xuống bàn hỏi “Tại sao dám uýnh nó?”. Dĩ nhiên là cô giáo nhỏ sợ chết khiếp phải bỏ nhiệm sở mà khăn gói trở ra chợ ST chờ ngày vượt biển.
Ngày xưa đi học mộng mơ đầu đời, tôi cũng có vài mối tình bỏ túi để làm kỷ niệm một thời áo trắng, nên thư tình cũng đầy nhóc ngăn tủ, nhưng không biết sau những đợt dọn nhà năm lần bảy lượt nó rơi rớt ở đâu mà chỉ còn sót một tờ duy nhất viết năm 76 của TC “Anh đang sống long đong không cửa không nhà...nay Sài Gòn mai Đà Lạt vất vả nổi trôi, nhưng trong tận cùng đớn đau chua xót đó, em vẫn là một hình ảnh mà anh nghĩ đến với nhiều thương yêu luyến nhớ..” Nét chữ nắn nót thiết tha trên trang giấy học trò đã từng làm trái tim tôi xao xuyến .“Rồi trong ngôi nhà ký ức, em sẽ đặt anh ở vị trí nào”, ( Nguyên Sa) Bây giờ có lẽ tôi đặt tình anh trên gác chuông nhà thờ để lâu lâu nghe tiếng tơ lòng ngân nga lỗi nhịp“em gầy guộc cúi đầu trong nắng sớm, đến giáo đương quỳ khóc cuộc tình phai”( thơ LHK). Sau này gặp thằng em họ ở Bạc Liêu, nó khoe là đang cất giữ cả hộp thư tình của tôi ngày trước, không biết cậu ta “âm miêu” gì, chắc là nó thích tò mò khi đọc lén thư người khác..Thư tình thường được viết bằng cả trái tim nên dễ cảm xúc..Có lẽ hồi xưa tôi học khá môn văn(!?). Tôi còn giữ một thông báo của trường gởi phụ huynh để xin phép cho trò TNA đi Cần Thơ dự thi văn chương nhân ngày Phụ nữ Việt Nam tháng 3/1975 do thầy hiệu trưởng LCH ký. Tôi cũng tìm thấy ở đây vài cuốn đặc san Xuân của trường HD quay Roneo màu mực nhòe nhoẹt, rách bìa.., tranh vẽ do họa sĩ đương thời LVQ phụ trách. Có thơ của SBTD Huy Giao, Ong Huệ Xuân, có tùy bút của Linh Thụy Châu, Nguyên Anh, có “phóng sanh sự” của ai đó khi bàn về tờ bích báo có cái tên “Hoàng Hoa” với lời chú thích rất hách xì xằng : Hoàng là Hoàng Diệu, còn Hoa là tinh hoa, nghĩa là bao nhiêu tài nghệ trong thiên hạ đều gom về trường này, nghe hết hồn chưa? Thiệt tình hổng hiểu sao lúc còn trẻ bọn mình ngông nghênh thế, giống như con gà trống cứ ngỡ mặt trời mọc lên là để nghe nó gáy...Trong mớ giấy tờ ố vàng được ép plastic cẩn thận đó là “những bức thơ viết sai chánh tả” của Má gởi vào trại giam cho tôi, lá thơ nào cũng làm tôi khóc mướt vì thương Má một đời lận đận khổ đau, cho đến bây giờ mỗi lần đọc lại, tôi vẫn thấy lòng rưng rưng như Má đang quanh quẩn đâu đây “ba má nhớ con lấm, rán cải tạo tốt để nhà nước cú sét chở dề sống dới gia đình, chời chở dó, ba con bịnh quài, má còn khẻo nhưn bán buôn ế lấm” .
Ba Má tôi đều lần lượt qua đời trong cô đơn nghèo khó ở quê nhà mà không kịp chờ tôi mãn án trở về..Tôi như hụt chân đuối sức khi nhận ra mình bỗng chốc bị mồ côi...Tôi nâng niu kỷ niệm của Má như một gia tài, tấm lòng Bà Mẹ nào cũng đáng được trân trọng tôn vinh. Những lá thơ của Má luôn là chỗ dựa yên ấm cho tôi trên bước đời mỏi mệt, ngả nghiêng.
Ngày về hành trang tôi lại đầy thêm những xấp thư chứa chan tình nghĩa của thầy cô bè bạn gần xa hết lời động viên an ủi “ Bắt đầu làm lại ở tuổi trên 30 chưa phải là quá muộn, hãy cố lên cô học trò dũng cảm, cuộc sống đang mở rộng, hành trình còn dài ở phía trước và đâu ai biết được ngày mai, cũng như ta đã không biết được ta đã là ngày hôm nay..”
“Sóc Trăng vẫn vậy nhưng ở một nhịp sống khác xa ngày xưa, khác xa những ngày HoàngDiệu rợp mát bóng cây còng và áo trắng thấp thoáng giữa các hành lang lớp học...không hiểu sao cứ nhắc đến áo dài trắng là em nhớ tới chị, rồi nhớ tới anh S, anh L và dàn trống đờn xập xình của nhóm Du ca, nhớ tới bãi cỏ sau trường mà mùa mưa lầy lội, mùa nắng lốm đốm cỏ dại...Chị đã sống sót trở về, đó là sự may mắn. Hãy đứng dậy mạnh mẽ như chưa bao giờ vấp ngã, tụi em vẫn nghĩ nhiều về chị trong mấy năm qua, vẫn quý mến chị như ngày xưa.”..
Hình ảnh thư từ hơn mấy mươi năm trước mà tôi còn cất giữ được tới bây giờ phải nói là do tấm lòng thương con của Má tôi, bà cất kỹ trong cái rương, rồi khi nghèo túng phải bán nhà về quê, bà đem gởi cái rương bên hàng xóm...Khi tôi về, nhỏ Hà đưa lại xấp hồ sơ dầy cộm, bỏ trong bao nylon cột dây chuối, nhìn mấy tờ “Thành Tích Biểu” cái bìa màu hồng bị mối gặm loang lở mà xôn xao trong lòng, mấy tấm hình đen trắng bây giờ được các bạn đưa vào trang web cũng xuất phát từ đây, công này là của tay phó nhòm TH, hồi đó học trò nghèo làm gì có máy ảnh, TH mượn của chị Ba nó xí xọn đem vào lớp bấm tá lả đám bạn nên bây giờ mới có hình kỷ niệm để đời, bây giờ nhìn hình nó chưng hửng “lo chụp cho tụi bây mà tao hổng có tấm nào”, nhưng cũng còn hên là nó ra tiệm Mỹ Dung ở đường giữa chụp chân dung, cặp kiếng cận to đùng trên gương mặt ngây thơ khờ khạo của nó lúc đó đã khiến nhiều tên húi cua bị hút hồn ngoài cửa lớp.
Như đã nói hồi đầu, ngăn ký ức chỉ mở vào đêm giao thừa hàng năm, nhưng năm nay nghe thiên hạ xôn xao chuyện ngày tận thế, tôi cho phép mình mở cửa sớm hơn. Ừ, biết đâu được chuyện đất trời trăn trở, hồi năm 2000 cũng có um sùm vụ này rồi, đến nỗi người ta rống lên bài hát “Năm hai ngàn năm anh còn gì, tôi còn lại gì”. Rồi có thấy gì đâu? Chim vẫn hót, mặt trời vẫn mọc, và thiên hạ vẫn sống nhởn nhơ ra đó, để thù hằn để giết chết nhau bằng những thứ vũ khí ngày càng tối tân hơn, nhưng lần này thì chắc anh bạn khoa học gia của chúng ta đã nghe ngóng chuyện trên trời nên mới dám đưa lên Web cái tin quan trọng khẩn cấp “Xin đừng thờ ơ, cả thế giới đang lo lắng về hiểm họa hâm nóng toàn cầu, không còn bao lâu nữa đâu...băng sẽ tan chảy, mực nước biển dâng cao ..”có nơi người ta còn chuẩn bị chu đáo để chờ đón ngày về với Chúa với số lượng người tham gia đông đảo, khi đang viết bài này thì anh bạn bên kia trời Tây báo tin ở cái vùng nào đó trên nước Pháp, giá nhà cửa vọt lên cao vì thiên hạ tin rằng nơi đó an toàn nhất trên trái đất khi có cơn bão từ tiêu diệt thế giới ...
Vậy đâu phải mình ên tôi tin vào chuyện bá vơ đâu?
 Và bài hát lần này chắc phải sửa lời đôi chút “ Năm hai mười hai anh còn gì , tôi còn lại gì...”
Phải thú thiệt là tôi cũng lo lắm vì có những điều chưa làm xong, những mơ ước chưa thực hiện được, bạn bè người thân chưa nói ra hết những yêu ghét trong lòng, cứ tưởng tượng vài hôm nữa trục quay địa cầu bỗng nhiên gãy lìa, mọi người đều văng ra khỏi sức hút của trái đất để rơi vào nơi vĩnh hằng nào đó..thử nghĩ xem chừng đó vạn vật ra sao ?!! Tôi đặt mình vô trường hợp “Sống như thể ngày mai mình chết” để viết ra những lời trăn trối này gởi đến mọi người gần xa.
Rằng thì là tôi đến với bạn bè bằng chân tình quý mến, với người thân thương luôn ơn nghĩa trong lòng, với đất nước vẫn nặng tình quê hương xứ sở, với đồng bào vẫn biết xót xa máu chảy ruột mềm...tánh khí ương ngạnh nên dù dao kề cổ cũng không thể nói ghét thành thương, bởi vậy trong giờ phút trọng đại này, ai có giận hờn tôi mà để bụng thì cũng nên quên đi, kẻo hồn vía nặng nề khó tiêu diêu miền cực lạc lắm đấy.  
Nói như anh bạn TĐP thì với chữ Nếu, anh ta có thể bỏ cả thành phố Sóc Trăng vô cái chai thì tôi lại nghĩ nếu ngày mai tôi vẫn như hôm nay, nghĩa là giờ G không hề hiện diện, thế giới này vẫn tiếp tục tồn tại, nhân loại vẫn hít vào thở ra trong cái cõi ta bà ô nhiễm này, thì chắc có lẽ tôi vẫn tánh nào tật nấy, ham rong chơi bỡn cợt mà không phải lo sốt vó cái đêm trừ tịch mịt mù của ngày 22 tháng 12 năm 2012 hù dọa yếu tim.
Nhưng nếu (lại nếu) ngày mai tôi chết chắc cũng không có gì hối tiếc, bởi lẽ vô thường mà, tuy nhiên cũng cần nói đôi lời trước khi ò-í- e cho có vẻ trang trọng như người ta hay đọc “diễn văn”trong buổi lễ bế mạc .
 “Kính thưa chư liệt vị, kính thưa bá quan văn võ, kính thưa trường thưa lớp, thưa thầy thưa cô, thưa bạn lớp trên lớp dưới, thưa bạn gần bạn xa…Trong bước đường đời ngược xuôi trần tục, tôi vốn không phải là kẻ hoàn hảo nên thế nào cũng có va vấp lỗi phải, “Nếu ngày mai tôi chết”nhân dịp này cũng xin mọi người rộng lòng miễn chấp bỏ qua, để lỡ còn cơ hội gặp nhau trên cõi “âm vô cực, dương vô cùng” mơ hồ huyền hoặc nào đó thì tụi mình sẽ tiếp tục ..chơi chung,”
Bye bye , see you later, hahaha
Ngọc Ánh